Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong gần một tháng qua, tại 6 tỉnh duyên hải miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam) liên tiếp chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão (số 5, 6, 7) và 2 áp thấp nhiệt đới đã gây ra 2 đợt mưa lớn trên diện rộng và kéo dài.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, các địa phương đã huy động tổng lực; triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão; đã tổ chức sơ tán, di dời 79.570 hộ với 279.625 người tại các khu vực ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt. Thực hiện tốt công tác kêu gọi, hướng dẫn trú tránh, neo đậu đảm bảo an toàn cho 61.702 tàu thuyền. Đảm bảo an toàn hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện; và tổ chức vận hành chủ động, linh hoạt các hồ chứa để góp phần cắt lũ cho hạ du,..
Đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, gần một tháng qua, tại tỉnh liên tiếp chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới đã gây ra 2 đợt mưa lớn kéo dài; lượng mưa có nơi vượt 1.000mm. Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt (bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ) đã, đang tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.
Bão lụt đã làm cho Thừa Thiên Huế thiệt hại hơn 1.126 tỷ đồng; 30 người chết, 13 người mất tích, 36 người bị thương. Thiệt hại lớn về nông- lâm nghiệp, các công trình cấp nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, điện lực, giáo dục, y tế; đặc biệt là sạt lở hơn 10km bờ biển và hư hại nhiều đường giao thông...
UBND tỉnh đã xuất cấp và phân phối 88 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 39.700 thùng mì tôm để cứu trợ khẩn cấp cho hộ di dời phòng tránh mưa lũ và 200 suất hàng hỗ trợ khẩn cấp cho các thủy điện ở Rào Trăng. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vận động, hỗ trợ lương thực thực phẩm, thăm hỏi người bị thương, gia đình có nạn nhân tử vong với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng.
UBND tỉnh đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp thêm 1.000 tấn gạo (trước đó đã được hỗ trợ 1.000 tấn); 2 tấn giống rau, 5 tấn giống ngô, 15.000 lít Benkocid, 30 ngàn liều vắc xin lở mồm long móng, 2 triệu liều vắc xin cúm gia cầm; hỗ trợ khôi phục hạ tầng dân sinh thiết yếu. Do tính cấp thiết, đề nghị ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp để thực hiện các dự án xử lý khẩn cấp xói lở bờ biển tại xã Phú Thuận, xã Giang Hải, xã Hải Dương dài 2,5km và các công trình xung yếu khẩn cấp.
Theo Thuyết minh và bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỉnh Thừa Thiên Huế tỷ lệ 1:50.000 đã chỉ ra được các khu vực có trượt lở và các khu vực có nguy cơ trượt lở. Tuy nhiên, tỷ lệ bản đồ nghiên cứu đang ở tỷ lệ nhỏ nên việc khoanh vùng sạt lở chưa rõ ràng, chưa chi tiết, khó khăn trong việc triển khai. Tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cho nghiên cứu khoanh vùng sạt lở rõ ràng hơn, chi tiết hơn và bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá với tỷ lệ cao hơn tỷ lệ cũ nhằm hỗ trợ địa phương trong việc quản lý cũng như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội phù hợp.
Để ứng phó với bão số 8, toàn tỉnh di dời, sơ tán 17.241 hộ/54.377 khẩu; toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã được hướng dẫn tránh trú, neo đậu an toàn. Hiện tỉnh đang nỗ lực tìm kiếm 13 người mất tích do sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3 (đã tìm được 4 người).
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại cuộc họp
Giúp dân sớm ổn định cuộc sống
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “phải rút ra được bài học trong phòng chống lũ lụt”. Những việc nào cần làm ngay để bảo đảm cuộc sống bình thường của người dân, xử lý vấn đề môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Nhấn mạnh tinh thần, không để người dân thiếu đói, rét, màn trời chiếu đất, Thủ tướng đề nghị đưa ra các giải pháp để bảo đảm điều này, “lực lượng nào tham gia”, làm sao để học sinh sớm trở lại trường học, giải quyết tốt hơn nữa vấn đề cứu trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, không gây khó khăn cho các nhà hảo tâm.
Gửi lời thăm hỏi của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Trung với tình cảm sâu đậm, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã cử nhiều đoàn công tác đến miền Trung, thăm các địa điểm khó khăn nhất. Các bộ, ngành đã xử lý kịp thời vấn đề lương thực, thuốc men, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Các tỉnh đã nêu cao trách nhiệm phòng chống bão lũ.
Thủ tướng đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh đã gồng mình chống thiên tai với nhiều biện pháp sáng tạo; biểu dương tinh thần “tương thân, tương ái” của các đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm đã dành nguồn lực hỗ trợ nhân dân vùng bão lũ, “đi trên đường thấy cứ 3 xe thì lại có 1 xe chở hàng hóa cứu trợ”.
Về hỗ trợ tài chính, 500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 bổ sung kinh phí cho 5 tỉnh miền Trung để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, các tỉnh được bổ sung kinh phí mỗi tỉnh 100 tỉ đồng, gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh.
Thủ tướng yêu cầu căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, có trách nhiệm sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để kịp thời thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm đúng đối tượng, chế độ quy định. Kết thúc đợt thiên tai do mưa lũ, các tỉnh nói trên kiểm tra, tổng hợp số liệu thiệt hại do thiên tai; kết quả chi thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ quy định.
Báo cáo nhu cầu kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai gửi Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách trung ương.
www.thuathienhue.gov.vn