Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ghi nhận, biểu dương sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự đồng thuận vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân đã làm cho phong trào Ngày Chủ nhật xanh ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu.
Ngoài một số nguyên nhân khách quan như dịch bệnh, bão lụt, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục như: chợ tự phát tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; có phân loại rác tại nguồn nhưng chưa có cách thu gom hợp lý; việc nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm thay thế túi ni lông, rác thải nhựa còn hạn chế; một số nơi chưa phân công rõ ràng giữa các lực lượng nên còn chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ…
Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục quán triệt quan điểm “Làm gương chứ không làm thay”, đồng thời gợi mở nên lựa chọn, xây dựng và nhân rộng một số mô hình như: mô hình thôn, bản, làng “xanh - sạch - sáng”; mô hình “Trường học xanh - sạch - sáng, 4 mùa hoa”; nghiên cứu thành lập các tổ tuyên truyền vệ sinh môi trường, hướng đến thay đổi hành vi phân loại rác thải tại nguồn…
Khẳng định tiếp tục thực hiện Ngày Chủ nhật xanh trong trạng thái mới, Chủ tịch UBND tỉnh nêu 4 mục tiêu phải được thực hiện xuyên suốt, đó là người dân phải bỏ rác đúng nơi quy định; có phương thức xử lý rác khoa học, phù hợp; tập trung xử lý vi phạm; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; "phải xác định làm sao để ngày sau phải tốt hơn, đẹp hơn ngày hôm trước".
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần tuyên truyền vận động, có giải pháp về phương tiện, chế tài xử phạt, nhân rộng các mô hình, duy trì việc đồng loạt ra quân vào sáng chủ nhật hàng tuần đồng thời có phương thức mở các bài hát Chủ nhật xanh để tạo không khí sôi nổi, tạo thành thói quen cho mọi người; mỗi huyện phải có một đơn vị xử lý môi trường, sớm hoàn thiện mạng lưới Chủ nhật xanh để quản lý xử lý môi trường được tốt hơn. Thông qua Ngày Chủ nhật xanh cũng là để thu hút thanh niên tham gia hoạt động cộng đồng, có trách nhiệm với xã hội…