Hưởng ứng " Ngày Pháp luật" Việt Nam - Ngày 9/11.
Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Các chinh sách về tài chính và quản lý cán bộ, công chức có hiệu lực từ tháng 11 năm 2022.

 

 

1. Hướng dẫn sử dụng kinh phí bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

 

 

Thông tư số 61/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có hiệu lực từ ngày 20/11/2022.

 

 

Theo Thông tư 61/2022/TT-BTC, nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gồm:

 

 

Chi tuyên truyền các chính sách, chế độ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và tổ chức vận động các đối tượng liên quan thực hiện quyết định thu hồi đất.

 

 

Chi điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Đất đai năm 2013 gồm: Phát tờ khai, hướng dẫn người bị thiệt hại kê khai; trích đo địa chính thửa đất đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; đo đạc xác định diện tích thực tế các thửa đất nằm trong ranh giới khu đất thu hồi để thực hiện dự án (nếu có) của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm căn cứ thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp phải đo đạc lại; kiểm kê số lượng nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác bị thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân…

 

 

Chi lập, thẩm định, chấp thuận, phê duyệt, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ khâu tính toán các chỉ tiêu, xác định mức bồi thường, hỗ trợ đến khâu phê duyệt phương án, thông báo công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

 

 

Chi tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

 

 

2. Hướng dẫn mức chi đào tạo nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

 

 

Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2022, Thông tư 58/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

 

 

Thông tư 58/2022/TT-BTC quy định rõ các nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình. Theo đó, chi khảo sát đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp để xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và mô hình đào tạo phù hợp theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư triển khai trong Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.

 

 

Chi nghiên cứu để vận dụng kinh nghiệm quốc tế về đào tạo các ngành, nghề đào tạo mới, kỹ năng nghề mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư triển khai trong Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

 

 

Chi xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; xây dựng học liệu dùng chung cho các chương trình đào tạo: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 22 và khoản 7 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.

 

 

Chi thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo trong Chương trình: Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; quy định tại khoản 9 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC....

 

 

3. Quy định sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện cai nghiện ma túy

 

 

Thông tư 62/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy có hiệu lực từ ngày 19/11/2022.

 

 

Trong đó, kinh phí đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chi đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ, trang phục tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc và cơ sở công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 34, khoản 1 Điều 75, khoản 3 Điều 76 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

 

 

Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với người bị quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tiếp tục đi học ở các bậc học phổ thông tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 80 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

 

 

Chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm được thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 80 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (sau đây viết tắt là Nghị định số 61/2015/NĐ-CP); Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và quy định pháp luật có liên quan.

 

 

Đối tượng áp dụng là: Người nghiện ma tuý bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người nghiện ma túy trong thời gian chờ lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở cai nghiện ma túy. Người bị quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.

 

 

Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

 

 

Đáng chú ý, Thông tư có quy định về chi học văn hóa cho người cai nghiện bắt buộc từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

 

 

Theo đó, chi tiền công đối với những người tham gia giảng dạy văn hóa (bao gồm giáo viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đào tạo công lập và những người ngoài biên chế có đủ tiêu chuẩn, năng lực giảng dạy): Mức chi tiền công theo hợp đồng lao động trên cơ sở lương tối thiểu vùng và đảm bảo tương quan với mức lương giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo, thâm niên công tác dạy cùng cấp học, kíp học theo quy định hiện hành của nhà nước về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

 

 

Chi hỗ trợ học phẩm: Nội dung và mức chi áp dụng theo quy định về hỗ trợ học phẩm cho học sinh trung học cơ sở tại khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc;

 

 

Chi tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm, thuê trang thiết bị dạy học và các khoản chi cần thiết khác (nếu có) phục vụ trực tiếp công tác dạy và học văn hóa cho đối tượng: Mức chi thanh toán theo thực tế phát sinh trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

 

 

4. Cán bộ thuộc 11 lĩnh vực sau khi thôi giữ chức vụ từ 1-2 năm mới được thành lập, quản lý doanh nghiệp

 

 

Theo Thông tư số 60/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17/11, danh mục 11 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ, đó là:

 

 

1- Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán.

 

 

2- Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

 

 

3- Quản lý nhà nước về bảo hiểm.

 

 

4- Quản lý nhà nước về hải quan.

 

 

5- Quản lý nhà nước về giá.

 

 

6- Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.

 

 

7- Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

 

 

8- Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.

 

 

9- Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.

 

 

10- Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước.

 

 

11- Quản lý nhà nước về tài sản công.

 

 

Trong thời hạn đủ 12 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, người có chức vụ, quyền hạn công tác trong các lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước và quản lý nhà nước về tài sản công không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quan lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trưóc đây mình có trách nhiệm quản lý.

 

 

Các trường hợp còn lại như đã nêu ở trên (kế toán kiểm toán, thuế, hải quan…), trong thời hạn đủ 24 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quan lý, điều hành doanh nghiệp.

 

 

5. Quy định mới chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp huyện

 

 

Theo Thông tư 03/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng, từ ngày 11/11/2022, thực hiện quy định mới về chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp huyện.

 

 

Cụ thể, về vị trí và chức năng, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng; kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; vật liệu xây dựng trên địa bàn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo ủy quyền của UBND cấp huyện và theo quy định của pháp luật.

 

 

Đối với lĩnh vực khác thuộc Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tương ứng.

 

 

Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng có con dấu, có tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của UBND cấp huyện; chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

 

 

Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp huyện có 20 nhiệm vụ, quyền hạn.

 

 

Trong đó, tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép xây dựng công trình và kiểm tra việc xây dựng công trình theo giấy phép được cấp trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của UBND cấp tỉnh.

 

 

Tham mưu, giúp UBND cấp huyện lập chương trình phát triển đô thị; phối hợp trong quá trình lập, thẩm định chương trình phát triển đô thị; tham gia lập đề án công nhận đô thị loại V trên địa bàn.

 

 

Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về các lĩnh vực quản lý của Phòng cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn...