Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã đánh giá cao dự thảo của Đề án, cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế rất quan tâm và xác định rõ về quan điểm và chủ trương quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước. Vì vậy, để hoàn chỉnh Đề án, nhiều ý kiến tâm huyết đã đưa ra, đặt vấn đề là để Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương thì vai trò của KH&CN là rất quan trọng.
Trong đó đáng chú ý là GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh cho rằng, Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện trở thành một trung tâm KH&CN, bởi từ những yếu tố tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là nguồn nhân lực, trí thức. Nhưng xem ra, đây là nhiệm vụ khó khăn, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh nhà và sự ủng hộ vào cuộc của các ngành, trong đó vai trò của lãnh đạo tỉnh có những bước đột phá về cơ chế chính sách giữ chân người tài.
PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, nguyên Giám đốc Đại học Huế, để sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN của cả nước phải phân kỳ, có lộ trình. Dõi theo quá trình phát triển của ngành KH&CN vừa qua sẽ thấy Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm lực về nguồn nhân lực nhưng các nhà chuyên môn, khoa học ở địa phương chưa sống được bằng KH&CN. Phải chăng Thừa Thiên Huế còn hạn chế về cơ sở vật chất, cơ chế chính sách chưa cởi mở...? Để trở thành trung tâm KH&CN, đòi hỏi Thừa Thiên Huế phải có sự đột phá; trong đó không chỉ cơ chế chính sách mà phải chú trọng tính đặc thù riêng có ở địa phương và phát triển chuyên sâu các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như du lịch, y tế, khoa học xã hội nhân văn... Bên cạnh đó, phải tăng cường hợp tác quốc tế để kết nối các thương hiệu mạnh, nguồn nhân lực quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều giáo sư, tiến sĩ đến từ Đại học Huế và Bệnh viện Trung ướng Huế cho rằng, để Thừa Thiên Huế là trung tâm KH&CN, trước hết phải thay đổi toàn diện, cần có sự thống nhất không chỉ là người lãnh đạo mà của cả người dân. Phải đào tạo các nhà khoa học và nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là phải có sự kết nối liên thông Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trung dài hạn... Thông qua nội dung đào tạo, phải xây dựng chương trình hành động ký kết, hợp tác để có cơ hội hội nhập KH&CN xa hơn…
Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến tham gia của các nhà khoa học. Qua đây, nhìn nhận ngành KH&CN Thừa Thiên Huế hiện nay đang đứng ở thứ hạng nào trong khu vực và cả nước, qua đó đề ra các nhiệm vụ giải pháp phù hợp nhằm khai thác lợi tiềm năng thế mạnh, đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước giai đoạn 2021-2030; yêu cầu Sở KH&CN tiếp thu các ý kiến góp ý để bổ sung và hoàn chỉnh Đề án, để trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết trong thời gian tới, qua đó UBND tỉnh sẽ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết.