Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cho rằng, từ tháng 3/2021, chính phủ đã ban hành gần 70 văn bản về BHXH. Về cơ bản, các văn bản được ban hành kịp thời, bảo đảm tiến độ và chất lượng, đáp ứng công tác quản lý điều hành, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động, người sử dụng lao động trong việc thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, một số chính sách, quy định được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống; nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật BHXH đã được chỉ ra nhưng chậm được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, việc chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính cả giai đoạn 2016-2020 còn vẫn ở mức thấp, mới thu hồi 25,2% của tổng số tiền phải thu hồi; tại một số ít địa phương, vẫn còn tình trạng chưa linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế việc lạm dụng, trục lợi quỹ.
Về tình hình thu BHXH, đại biểu cho rằng, số thu BHXH bắt buộc tăng 6,25% nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng thu của năm 2019. Mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc và BHTN tăng không đáng kể, thậm chí tỷ lệ tăng có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện có xu hướng giảm nhanh.
Trong khi đó, số nợ, chậm đóng có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo; cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi triển khai các gói hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù khi hết thời hạn tạm dừng đóng.
Các nội dung chi của Quỹ BHXH và Quỹ BHTN đều tăng về số người, số tiền so với năm 2019 và nằm trong xu thế tăng đều trong những năm qua. Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội và các Đoàn ĐBQH tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH.
Đại biểu Phạm Như Hiệp khẳng định, những năm gần đây ngành bảo hiểm đã có nhiều thành tựu. Đáng chú ý là tỉ lệ người dân tham gia đóng các loại bảo hiểm ngày càng tăng. Việc số hóa của ngành bảo hiểm phát triển rất mạnh; cơ sở dữ liệu y tế toàn dân quản lý tốt. Đặc biệt, tính ưu việt của BHYT là các chi phí cho bệnh nhân, nhất là chi trả cho bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo. Sự đồng hành của các bệnh viện với ngành bảo hiểm cũng là một điểm sáng.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, khắc phục các tồn tại hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để phát triển lĩnh vực an sinh xã hội. Chính phủ có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, nhất là lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia BHXH tự nguyện; hạn chế hưởng BHXH một lần.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng; tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH; đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản thanh toán chế độ không đúng quy định…