Đối thoại giữa các thành phố Văn hóa – Lịch sử Mê Kông – Lan Thương lần này có chủ đề Hợp tác đôi bên cùng có lợi vì sự phát triển chung. Các đại biểu thảo luận ở các nội dung như: Hợp tác văn hóa và du lịch vì sự thịnh vượng chung; giao lưu nhân dân để phục hồi sau đại dịch; bảo tồn di sản văn hóa phục vụ giao lưu và học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh.
Tại Đối thoại trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trương Đình Hạnh thay mặt lãnh đạo thành phố có bài phát biểu tham luận với chủ đề “Du lịch di sản Huế - Cơ hội và thách thức”; theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trương Đình Hạnh khẳng định tại tham luận: Huế là một đô thị cổ, là Cố đô của Việt Nam. Hiện nay, Huế đang giữ các danh hiệu: Thành phố xanh quốc gia; Thành phố Festival của Việt Nam; Thành phố văn hóa của ASEAN; Thành phố du lịch sạch ASEAN,...và được mệnh danh là Thành phố di sản văn hóa thế giới bởi Huế đang sở hữu nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận, như: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và đồng sở hữu với địa phương khác là Bài Chòi vàTín ngưỡng thờ Mẫu. Di sản văn hóa tạo động lực cho du lịch, đó là tài nguyên du lịch hấp dẫn mạnh mẽ có sức hút du khách trong nước và quốc tế đến Việt Nam. Du lịch văn hóa đã từ lâu phát triển và sẽ mãi mãi là dòng sản phẩm du lịch cơ bản, là thế mạnh cho quốc gia có bề dày truyền thống.
Với kết hợp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, du lịch Huế đã có nhiều chuyển biến tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh, song nhiều vấn đề vẫn còn là “bài toán nan giải” chưa được giải quyết một cách ổn thỏa, như: Du lịch Huế vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của các di sản văn hóa; cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm có tài nguyên du lịch còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển..
Để du lịch di sản Huế ngày càng phát triển xứng đáng là loại hình du lịch đặc biệt, đặc trưng của Việt Nam, chúng tôi cho rằng cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo những bước đột phá giúp du lịch Huế “cất cánh”. Cụ thể, có kế hoạch phát triển du lịch, văn hóa di sản phù hợp, cần có sự lựa chọn sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng động, tôn trọng đa dạng văn hóa, nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích và phát huy vai trò của cộng đồng. Thứ hai, tập trung đầu tư về hạ tầng du lịch và phát triển sản phẩm du lịch mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách khi đến Huế. Kêu gọi các nhà đầu tư phát triển các mô hình xe citytour, xe điện trên địa bàn thành phố Huế và phụ cận. Chỉnh trang không gian du lịch toàn diện hơn. Tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế và tính chuyên nghiệp trong các hoạt động văn hóa, nhất là các kỳ Festival, xem các kỳ Festival là sản phẩm du lịch chủ lực của Huế, biến Festival Huế thành một thương hiệu để du khách quốc tế biết đến Huế. Thứ ba, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên trong lĩnh vực du lịch sáng tạo, thích ứng. Thứ tư, đẩy nhanh xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về di sản Huế. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khai thác di sản văn hóa và phát triển du lịch di sản. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch di sản,… Cùng với đó là việc mở rộng quan hệ quốc tế, hợp tác phát triển trên các lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển du lịch, quảng bá du lịch...với các thành phố, tổ chức quốc tế sẽ là cơ hội để du lịch Huế cất cánh.