I. Mục tiêu
Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật; ngăn chặn, không để dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra, nhất là các bệnh LMLM gia súc, bệnh cúm gia cầm, bệnh tai xanh ở lợn. Đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng và làm sạch môi trường.
Tuyên truyền nâng cao ý thức và sự hiểu biết của người dân, tích cực tham gia các biện pháp phòng chống dịch các loại dịch bệnh nguy hiểm và chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh cho động vật.
II. Nội dung vệ sinh, tiêu độc khử trùng
1. Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm
1.1. Đối với cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung
- Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh.
- Tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng lân cận mỗi tuần 1 lần.
- Vệ sinh tiêu độc khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, thức ăn,… trước khi ra vào chuồng trại.
1.2. Đối với hộ chăn nuôi gia đình
- Hằng ngày quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm, thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn.
- Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần một lần.
- Vệ sinh sạch, tiêu độc các phương tiện, dụng cụ chăn nuôi vận chuyển gia súc, gia cầm, thức ăn trước khi ra, vào chuồng trại.
1.3. Cơ sở lò ấp nở gia cầm, thủy cầm
- Phát quang cây cỏ xung quanh, quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp đường ra vào cơ sở ấp, thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu hủy.
- Phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở lò ấp trứng, đường ra vào lò ấp, các phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở.
2. Cơ sở giết mổ gia cầm
- Nơi nhốt gia cầm chờ giết mổ phải được vệ sinh, thu gom rác thải để chôn hoặc đốt, sau đó vệ sinh và phun tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực nhốt, giữ gia cầm.
3. Chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật
- Quét dọn và phun khử trùng khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ.
- Những quầy bán thịt phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc sát trùng vào cuối buổi chợ.
- Quét dọn và xử lý chất thải rắn trong chợ bằng các biện pháp chôn hoặc đốt.
4. Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm
- Thường xuyên vệ sinh, quét dọn và thu gom rác thải để xử lý
- Tổ chức phun tiêu độc, khử trùng, khơi thông cống rãnh một tuần 1 lần.
III. Thời gian thực hiện: Từ ngày 06/3/2018 - 31/3/2018
IV. Tổ chức thực hiện:
- Những gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở lò ấp trứng gia cầm tự lo hóa chất để tiêu độc, kinh phí và tổ chức thực hiện mỗi tuần 1 lần theo sự giám sát của chính quyền địa phương và cán bộ thú y cơ sở.
- Ban chăn nuôi- thú y xã phối hợp với các trưởng thôn tổ chức phun thuốc tiêu độc cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, nơi buôn bán gia súc, gia cầm sống và nơi chôn hủy gia súc, gia cầm.
- Ban chăn nuôi - thú y phối hợp với ban quản lý chợ để phun thuốc tiêu độc tại các quầy bán sản phẩm gia súc, gia cầm.
- Hóa chất: Ban thú y xã nhận hóa chất tiêu độc tại Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã theo kế hoạch được phân bổ để tổ chức tiêu độc tại các nơi công cộng.
V. Các biện pháp phòng chống khác.
- Theo dõi giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm; đặc biệt chú ý đến các ổ dịch cũ, phát hiện sớm, dập tắt kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.
- Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân tham gia các biện pháp phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm.
- Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật ra vào địa phương.