Tìm kiếm tin tức



 
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
ÁO DÀI NAM QUA CÁC THỜI KỲ
Ngày cập nhật 24/10/2021

Thời Nguyễn (1558-1945), đặc biệt là dưới triều Nguyễn(1802-1945), Nho giáo rất được coi trọng, là công cụ để cai trị và ổn định xã hội. Tam cương ngũ thường đối với nam giới; tam tòng, tứ đức với phụ nữ đã trở thành nền tảng đạo đức xã hội và luân lý để mọi thế hệ con cháu noi theo. Sự ra đời của chiếc áo dài ngũ thân nam cũng chịu ảnh hưởng chung của tư tưởng Nho giáo ấy.

Tiền thân áo dài ngày nay được gọi là “áo ngũ thân tay chẽn” (loại áo này nam và nữ khá giống nhau, chỉ khác nhau vài đặc điểm, như nữ cổ áo thấp hơn nam, ống tay nữ hẹp hơn ống tay nam, vạt áo nam dài hơn áo nữ...). Chúa Nguyễn Phúc Khoát (ở ngôi từ năm 1738-1765) là người có công định chế và phổ biến trang phục áo dài ngũ thân ở cả Đàng Trong. Sau khi đất nước thống nhất, triều Nguyễn đã kế thừa và tiếp tục công cuộc cải cách trang phục từ thời các Chúa Nguyễn. Trong những năm 1827-1837, hoàng đế Minh Mạng đã quyết liệtđẩy mạnh cải cách trang phục một cách triệt để, từ đó áo dài ngũ thân- áo dài Huế được phổ biến ra toàn quốc, trở thành trang phục chung của người Việt Nam.

Áo dài ngũ thân ra đời trong bối cảnh nhà Nguyễn lấy tư tưởng Nho giáo làm chuẩn mực đạo đức xã hội, cho nên kiểu dáng trang phục này của nam đã phần nào đáp ứng được quan niệm thẩm mỹ của xã hội đương thời. Đặc biệt, kiểu dáng, kết cấu áo có công năng sử dụng cao, khắc phục những nhược điểm của cơ thể người đàn ông Việt, tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong mà vẫn khiêm nhường, nho nhã.

Đối với áo ngũ thân của nam, những hình ảnh được ghi lại giai đoạn trước năm 1945, trong đời sống đa dạng thường nhật hay trong lễ hội, đàn ông Việt luôn mặc áo ngũ thân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng văn minh phương tây, phong trào Âu hóa lan rộng trong giới trí thức, tư sản, quan lại đến dân thường, trang phục áo dài của đàn ông Việt dần dần bị mất chỗ đứng, trở nên mờ nhạt trong đời sống hàng ngày, chỉ còn sử dụng làm trang phục cho những người thực hành tôn giáo tín ngưỡng và các nghi lễ truyền thống.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, một số thành viên Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như cụ Huỳnh Thúc Kháng (Bộ trưởng Bộ Nội vụ), cụ Nguyễn Văn Tố (Trưởng Ban Thường trực Quốc hội), cụ Ngô Tử Hạ (Chủ tịch Đại Hội đồng Quốc hội, kỳ họp năm 1946) đều mặc áo dài trong những dịp lễ quan trọng hay xuất hiện trước quốc dân, đồng bào.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngũ thân giờ đây không chỉ là biểu trưng cho hình ảnh con người Việt Nam mà còn chứa đựng cả linh hồn dân tộc. Không chỉ là trang phục truyền thống, áo dài nam còn thể hiện những giá trị tốt đẹp về đạo đức, thẩm mỹ và là một di sản quý báu. Bên cạnh những nỗ lực khôi phục áo dài ngũ thân nam của các nhóm Câu lạc bộ Đình Làng Việt, Việt Phục Hội...Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã triển khai cho cán bộ, công chức nam mặc trang phục Áo dài ngũ thân tại buổi chào cờ thứ Hai hàng tháng; đồng thời phát động, khuyến khích toàn ngành mặc áo dài ngũ thân đối với nam, từ đó tạo ra một trào lưu mới trong việc đưa Áo dài ngũ thân nam vào hoạt động lễ nghi truyền thống và sinh hoạt đời thường.

Cố đô Huế không chỉ là nơi sản sinh ra chiếc áo dài mà còn là nơi gìn giữ, bảo tồn loại trang phục này suốt mấy trăm năm qua. Huế là nơi đầu tiên đưa áo dài nam vào công sở đã tạo ra một sự lan tỏa rộng khắp trong cả nước. Và ngày nay, nói đến Huế thì lập tức người ta sẽ hình dung đến hình ảnh chiếc áo dài nam thanh lịch, đậm đà bản sắc Việt. Đó cũng là hình ảnh quan trọng của thương hiệu Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam./.

           www.thuathienhue.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 137.793
Truy cập hiện tại 137